Các loại cạnh tranh Cạnh tranh (kinh doanh)

Tùy theo cách thức tiếp cận khác nhau, có thể phân chia các loại cạnh tranh kinh tế khác nhau.

Cạnh tranh lành mạnh

Cạnh tranh lành mạnh là loại cạnh tranh theo đúng quy định của pháp luật, đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh. Cạnh tranh có tính chất thi đua, thông qua đó mỗi chủ thể nâng cao năng lực của chính mình mà không dùng thủ đoạn triệt hạ đối thủ. Phương châm của cạnh tranh lành mạnh là "không cần phải thổi tắt ngọn nến của người khác để mình tỏa sáng".

Có thể thấy, kinh doanh như một cuộc chơi nhưng không giống như chơi thể thao, chơi bài hay chơi cờ, khi mà phải luôn có kẻ thua – người thắng (lose – win); trong kinh doanh, thành công của doanh nghiệp không nhất thiết đòi hỏi phải có những kẻ thua cuộc. Thực tế là hầu hết các doanh nghiệp chỉ thành công khi những người khác thành công (sự "cộng sinh của hai bên"). Đây là sự thành công cho cả đôi bên nhiều hơn là cạnh tranh làm hại lẫn nhau. Tình huống này được gọi là "cùng thắng" (win – win).

Ở Việt Nam có câu "buôn có bạn, bán có phường" có nghĩa là không nhất thiết các doanh nghiệp cạnh tranh cùng một mặt hàng phải sống chết với nhau mà thông thường phải liên kết với nhau thành các phố kinh doanh cùng một mặt hàng như phố hàng trống, hàng mã….

Cạnh tranh không lành mạnh

Cạnh tranh không lành mạnh là tất cả những hành động trong hoạt động kinh tế trái với đạo đức nhằm làm hại các đối thủ kinh doanh hoặc khách hàng. Và cũng gần như sẽ không có người thắng nếu việc kinh doanh được tiến hành giống như một cuộc chiến. Cạnh tranh khốc liệt mang tính tiêu diệt chỉ dẫn đến một hậu quả thường thấy sau các cuộc cạnh tranh khốc liệt là sự sụt giảm mức lợi nhuận ở khắp mọi nơi.

Trong giai đoạn đầu của kỷ nguyên công nghiệp, các công ty, doanh nghiệp thường xuyên phải cạnh tranh khốc liệt trong tình huống đối đầu để duy trì sự phát triển và gia tăng lợi nhuận. Do đó các nhà kinh doanh cho rằng cạnh tranh thuộc phạm trù tư bản nên quan điểm về cạnh tranh trước kia được hầu hết các nhà kinh doanh đều nhầm tưởng "cạnh tranh" với nghĩa đơn thuần theo kiểu "thương trường là chiến trường".

Mục đích của nhà kinh doanh là luôn luôn mang lại những điều có lợi cho doanh nghiệp mình. Đôi khi đó là sự trả giá của người khác. Đây là tình huống "cùng thua" (lose – lose). Không ít cơ sở sản xuất, doanh nghiệp còn sử dụng những chiêu thức "đen" nhằm hạ thấp và loại trừ các doanh nghiệp hoạt động trên cùng một lĩnh vực ngành nghề để độc chiếm thị trường.

Thủ đoạn cạnh tranh

Một trong những thủ đoạn "đen", ít tốn kém đầu tư mà gây thiệt hại lớn cho các đối thủ cạnh tranh là tung tin thất thiệt, thường gọi là tin đồn. Tin đồn có ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp đối thủ, tập trung vào các vấn đề nhạy cảm như phương thức kinh doanh, tổ chức nhân sự, chất lượng sản phẩm, thậm chí đôi khi cả những khuyết tật đời tư cá nhân của các nhân vật chủ chốt trong đơn vị, doanh nghiệp đó. Trên thế giới, không ít các đại gia lừng danh đã từng là nạn nhân của những thông tin thất thiệt này như: Sony, Erickson, Coca Cola, Pepsi...

Ở Việt Nam, tuy nền kinh tế thị trường mới hình thành và phát triển chưa lâu nhưng thủ đoạn tung tin thất thiệt cũng xảy ra và đang có chiều hướng ngày một gia tăng kiến nhà nước không kiểm soát một cách hiệu quả được, làm không ít doanh nghiệp làm ăn chân chính thiệt hại kinh tế rất lớn. Đó là những thủ đoạn tung tin đồn gây thiệt hại lớn, còn như cạnh tranh kiểu tin đồn cò con thì hầu như diễn ra hằng ngày mà nhiều người gọi là "hội chứng" tin vịt.

Ví như: một doanh nghiệp đang tham gia đấu thầu xây dựng một công trình, bỗng có tin đồn doanh nghiệp này đang có vấn đề về tài chính, hay các công trình đã được doanh nghiệp thực hiện trước đó có nhiều vấn đề gian dối không bảo đảm chất lượng, thế là thua thầu, thậm chí không được tham gia đấu thầu chờ kết quả kiểm tra. Tương tự như vậy, khu du lịch này muốn hạ bệ khu du lịch kia thì tung tin: khu du lịch ấy mất vệ sinh, chất lượng phục vụ kém,trật tự an ninh không bảo đảm... thế là dễ dàng mất khách.

Tin đồn thất thiệt đang trở thành một vũ khí cạnh tranh của những doanh nghiệp làm ăn không lương thiện. Việc đối phó được với hình thức cạnh tranh "bẩn" này rất khó khăn. Một số doanh nghiệp nhỏ và vừa (đặc biệt là ở Việt Nam) chưa có được những biện pháp hữu hiệu để chống lại hình thức cạnh tranh bằng cách tung tin thất thiệt này, hầu hết họ đều dựa vào các cơ quan quản lý Nhà nước. Nhưng ngay các cơ quan chức năng của Nhà nước cũng rất lúng túng và bị động trong xử lý đối với thủ đoạn cạnh tranh "đen" này. Minh chứng cụ thể nhất là hội chứng tin đồn về giá gạo ảo trong những tháng đầu năm 2008, làm cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng lao đao, các cấp ngành chức năng lúng túng, gây cho việc xuất khẩu gạo trì hoãn, thiệt hại cho kinh tế của Việt Nam.

Mặc dù hiện nay ở Việt Nam đã có Luật Cạnh tranh, trong đó đưa ra nhiều hành vi bị cấm như: mua chuộc, dụ dỗ, ép buộc trong kinh doanh, dèm pha doanh nghiệp khác, quảng cáo sai với thực chất, phân biệt đối xử trong hiệp hội, bán hàng đa cấp bất chính. Như vậy, thủ đoạn tung tin thất thiệt để cạnh tranh được xếp vào điều cấm: gièm pha doanh nghiệp. Đây là hành lang pháp lý để các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh hơn, các cơ quan chức năng có cơ sở pháp lý để xử lý những thủ đoạn cạnh tranh bằng tin đồn "đen".

Tuy nhiên, việc phát hiện nguồn gốc phát xuất của tin đồn không phải là việc đơn giản, đòi hỏi rất nhiều thời gian công sức, tiền bạc mới điều tra được. Mà nếu có điều tra ra được thì chế tài xử lý cũng còn nhiều bất cập, thậm chí còn rất nhẹ so với những thiệt hại vô hình cũng như hữu hình mà thương hiệu của doanh nghiệp đó gánh chịu. Vì vậy, bên cạnh sự hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền, hiệp hội ngành nghề trong việc phòng chống tin đồn thất thiệt, giải pháp tốt nhất là các nhà sản xuất, kinh doanh phải tự bảo vệ mình, bằng nghiệp vụ quản trị thông tin, bằng chất lượng sản phẩm và chữ tín của doanh nghiệp.

Trong cạnh tranh cần tỏ ra khôn ngoan hơn đối thủ để loại trừ đối thủ cạnh tranh, giành giật quyết liệt thị phần, khuyến trương thương hiệu sản phẩm, khống chế nhà cung cấp và khóa chặt khách hàng. Theo quan điểm đó, sẽ luôn có người thắng và kẻ thua trong kinh doanh. Cách nhìn về một kết cục thắng – thua được Gore Vidal viết như sau: "Chỉ thành công thôi chưa đủ. Phải làm cho kẻ khác thất bại nữa". Sự khác biệt giữa cạnh tranh không lành mạnh và cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh là một bên có mục đích bằng mọi cách tiêu diệt đối thủ để tạo vị thế độc quyền cho mình, một bên là dùng cách phục vụ khách hàng tốt nhất để khách hàng lựa chọn mình chứ không lựa chọn đối thủ của mình. Cạnh tranh kinh tế không phải là "chiến tranh" và cũng không phải là "hòa bình". Cạnh tranh kinh tế không còn là những động thái của tình huống (contextual act) hay không phải chỉ là những hành động mang tính thời điểm mà là cả tiến trình tiếp diễn không ngừng, khi đó các doanh nghiệp đều phải đua nhau để phục vụ tốt nhất khách hàng.

Cạnh tranh tự do và độc quyền

  • Cạnh tranh tự do hay cạnh tranh hoàn hảo:

Là loại cạnh tranh theo các quy luật của thị trường mà không có sự can thiệp của các chủ thể khác. Giá cả của sản phẩm được quyết định bởi quy luật cung cầu trên thị trường. Cung nhiều cầu ít sẽ dẫn đến giá giảm, cung ít cầu nhiều sẽ dẫn đến giá tăng.

  • Cạnh tranh độc quyền:

Là sự cạnh tranh mang tính chất "ảo", thực chất cạnh tranh này là sự quảng cáo để chứng minh sự đa dạng của một sản phẩm nào đó, để khách hàng lựa chọn một trong số những sản phẩm nào đó của một doanh nghiệp nào đó chứ không phải của doanh nghiệp khác.

Loại cạnh tranh này xảy ra khi trên thị trường một số lượng lớn các nhà sản xuất sản xuất ra những sản phẩm tương đối giống nhau nhưng khách hàng lại cho rằng chúng có sự khác biệt, dựa trên chiến lược khác biệt hoá sản phẩm của các công ty.

Ví dụ, trên thị trường có các sản phẩm xà bông tương đối giống nhau. Nhưng có hãng thì bảo rằng sẽ đem lại làn da mềm mại sau khi tắm, hãng thì bảo là đem lại hương thơm tươi mát, hãng thì bảo rằng sẽ làm trắng da.

Trong cạnh tranh độc quyền có thể phân chia thành hai loại:

  • * Độc quyền nhóm: Là loại độc quyền xảy ra khi trong ngành có rất ít nhà sản xuất, bởi vì các ngành này đòi hỏi vốn lớn, rào cản gia nhập ngành khó. Ví dụ: ngành công nghiệp sản xuất ôtô, máy bay.
  • * Độc quyền tuyệt đối: Xảy ra khi trên thị trường tồn tại duy nhất một nhà sản xuất và giá cả, số lượng sản xuất ra hoàn toàn do nhà sản xuất này quyết định. Ví dụ: Điện, nước ở Việt Nam do nhà nước cung cấp.